Hậu phương lớn cho tiền tuyến Điện Biên Phủ

Đăng lúc: 00:00:00 04/05/2024 (GMT+7)

 

Những năm 1953 - 1954, Thanh Hóa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Về lực lượng chiến đấu, cuối năm 1953 đã có 56.792 thanh niên tòng quân (nhập ngũ); lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã bổ sung 1 tiểu đoàn, 2 đại đội, 2 trung đội và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu.

Vinh dự thực thi nhiệm vụ cao cả

Về phục vụ chiến đấu, theo chỉ đạo của Trung ương, Thanh Hóa khi ấy đã huy động và sử dụng 2.381.000 ngày công dân công để sửa chữa 114km đường ra tiền tuyến. Ngày 15.4.1954, Trung ương và Bộ Chỉ huy chiến dịch tiếp tục giao cho Thanh Hóa nhiệm vụ cung ứng cho mặt trận 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm, thời hạn thực hiện nhiệm vụ đến ngày 31.5(1). Đây là thời điểm mà nguồn dự trữ của Nhà nước đã cạn, phải tiếp tục huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Trên các cánh đồng, lúa mới lác đác chín từng bông. Các làng, xã đã huy động mọi nhà ra đồng nhẹ nhàng lựa tay cắt lấy từng bông đã chín gom lại... Với phong trào “dốc bồ, đổ thúng”, tất cả để chiến thắng, Thanh Hóa đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian của chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động 182.124 dân công gánh bộ và 11.000 dân công vận chuyển xe đạp thồ, 1.500 chiếc thuyền, 120 con ngựa thồ... và kết quả đã vận chuyển tới 50% số lượng lương thực và 40% khối lượng thực phẩm phục vụ chiến dịch(2)... Việc phân công vận chuyển cũng được tính toán khá hợp lý, đa dạng theo sức vóc, lứa tuổi, tập quán vùng, miền... Người vùng biển hay miền sông nước thì vận chuyển bằng thuyền; người miền núi thì vận chuyển bằng ngựa thồ, gùi, gánh; người trẻ, khỏe ở các huyện đồng bằng, thành thị thì sử dụng xe đạp thồ...

Nhờ truyền thống cách mạng trung dũng, kiên cường mà người Thanh Hóa, cùng với Nhân dân cả nước, quân sự cũng như dân sự đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu hết sức mình vì mục tiêu cao cả của chiến dịch là phải chiến thắng. Trong đó, điển hình về tập thể có Đoàn xe đạp thồ vận tải, về cá nhân có Anh hùng Lực lượng vũ trang, Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện. Tập thể và cá nhân đó là những tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Một tập thể kiên cường

Đoàn xe đạp thồ bắt đầu được hình thành từ thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố), chỉ trong thời gian ngắn đã huy động được gần 100 xe (khi ấy chiếc xe đạp là cả một tài sản lớn của gia đình đem đóng góp cho kháng chiến). Tiếp đến là các đội xe đạp thồ của các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Thạch Thành, Hà Trung và nhiều huyện khác hợp thành Đoàn xe hùng hậu của toàn tỉnh lên đường ra trận tuyến.

Xuất quân từ Ngã ba Voi (cuối thị xã) rong ruổi hơn 150km tập kết tại Hồi Xuân (thị trấn huyện Quan Hóa - miền Tây của tỉnh). Tổ chức lao động vận chuyển bằng xe thồ cũng là một kỳ công, sáng tạo. Trước hết là phân công, phân loại theo sức khỏe, tuổi tác. Người khỏe, xe tốt được tham gia hỏa tuyến; người khỏe trung bình, tham gia trung tuyến; người cao tuổi và phụ nữ tham gia hậu tuyến. Đoàn được biên chế theo từng huyện, mỗi huyện là một đại đội (gọi là C) để hỗ trợ nhau những khi lên đèo, xuống dốc hoặc bị máy bay địch oanh tạc, hay gặp những cung đường trơn trượt... Mỗi đơn vị hành quân cách nhau một quãng đường nhất định theo điều hành của chỉ huy, vừa giữ bí mật, vừa đề phòng máy bay địch ném bom, bắn phá.

Từ Hồi Xuân, Đoàn hành quân qua các địa danh suối Rút, Hòa Bình, Mộc Châu, Yên Châu, Sơn La, vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo (H1). Chặng đường vận chuyển từ trạm H1 đến Điện Biên Phủ dài gần 80km, Đoàn xe thồ lúc cao điểm phải huy động tới 3.000 xe. Ban đầu mỗi xe vận chuyển được 100kg, rồi 120 kg/chuyến.

Nhưng sức tải của người điều khiển tăng lên thì yêu cầu sức tải của phương tiện cũng phải tăng theo. Sáng kiến cải tiến phương tiện vận tải ra đời. Ghi đông xe (tay lái) phía bên trái được nối dài bằng một đoạn tre cứng, chắc, khoảng 1 mét; gióng đứng khung xe, nơi lắp yên xe, cũng nối dài, thẳng đứng cao vượt yên xe khoảng nửa mét, tạo thế cho tay phải cầm, nắm, đẩy xe đi thông thoáng, nhẹ nhàng hơn. Để tăng độ chịu lực của khung xe, các tay lái còn hàn thêm các thanh sắt, hoặc cột các thanh gỗ cứng vào từng gióng khung, chằng thêm vải bố hoặc dây cao su vào vành bánh để tăng độ bền của săm, lốp. Trước ghi đông xe còn được lắp đặt một “giỏ xe” (trong giỏ là nồi, niêu, đồ ăn, thức uống, đồ dùng hàng ngày... như một “gia tài thu nhỏ” của người cầm lái suốt dọc hành trình ra trận).

Hiệu quả vận chuyển tăng lên rõ rệt, từ 150 đến 200 kg/chuyến, rồi tới 300kg. Thi đua với các chiến sĩ trực tiếp trên mặt trận, các danh hiệu vận chuyển xuất hiện và nở rộ, đó là “Kiện tướng xe thồ” Cao Văn Ty, chuyến nào cũng chở tới 315kg; Bùi Tin đạt năng suất 320 kg/chuyến (2 lần được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng III); đặc biệt là “Nhà vô địch xe thồ huyền thoại” Trịnh Ngọc với kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến...

Những kỳ tích đó đã làm cho kẻ thù... "ngao ngán". Chẳng thế mà, Đại tá không quân Pháp đã thú nhận cay đắng rằng: “Tướng Nava bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”. Còn học giả Mỹ Becna Phon nói rằng, Chiến thắng của Việt Nam ở Điện Biên Phủ, “trước hết là những chiến thắng về tiếp vận”.

Một anh hùng dũng cảm

Cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước, hàng nghìn người con quê hương Thanh Hóa là bộ đội chủ lực, là dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tất cả đều “chân đồng, vai sắt” chiến đấu dũng cảm, ngoan cường đã được đất nước, quê hương vinh danh.

Trong số đó, không ai không nhớ tới Anh hùng - Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện lấy chính thân mình chèn pháo, không để pháo lao xuống vực. Tô Vĩnh Diện, quê xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay là huyện Triệu Sơn), sinh ra trong một gia đình nghèo, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ suốt 12 năm. Sau Cách mạng tháng Tám, năm 1946 anh tham gia dân quân địa phương, năm 1949 anh xung phong nhập ngũ.

Tháng 5.1953 Quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ (Pháo cao xạ lúc này là loại vũ khí hiện đại, có lá chắn phía trước, tầm bắn tối đa tới 6.700m, tầm bắn hiệu quả là 2.500 - 3.000m). Tại mặt trận Điện Biên Phủ, anh là Tiểu đội trưởng pháo cao xạ, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 387. Khẩu đội anh được giao sử dụng khẩu pháo 37mm. Khẩu đội có 7 pháo thủ: số 1 Quay hướng; số 2 quay tầm và đạp cò; số 3 cự ly; số 4 hướng đường bay, góc bổ nhào và tốc độ; số 5 nạp đạn; số 6 tiếp đạn; số 7 dự phòng và lo cơ số đạn. Ngày 1.2.1954, đơn vị anh kéo pháo trên đường núi đồi nhấp nhô trùng điệp. Đến con dốc Ba Tời cao và hẹp, anh cùng pháo thủ Nguyễn Văn Tri phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho đơn vị kéo dây tời giữ pháo..., bỗng một mảnh pháo địch chém đứt dây tời, lực giữ pháo đột ngột mất đi, khẩu pháo dần dần tuột xuống dốc. Pháo thủ Nguyễn Văn Tri lái càng phía ngoài bị càng pháo hất xuống vực và pháo trôi dần về phía vực sâu. Tô Vĩnh Diện đã đuối sức, nhưng anh lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang ghì toàn thân mình vào càng pháo phía ngoài, một chân đạp vào gốc cây, cố gắng đẩy hướng càng pháo vào vách núi. Khẩu pháo chồm lên rồi cuốn anh vào gầm chiếc đề kích đằng trước đè xuống chiếc mũ sắt anh đang đội. Pháo dừng lại. Mọi người kê, kích, chèn pháo... đưa được anh ra ngoài... Trong giây lát, trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh còn hỏi đồng đội: “Pháo... có việc gì không... anh em?”... Sau đêm Tô Vĩnh Diện hy sinh để bảo vệ pháo, toàn Đại đội 827 đã nghiêm trang thề trước mộ người liệt sĩ anh hùng: “Noi gương đồng chí, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, tiêu diệt hết quân địch”...

Sau này, ngày 7.5.1955, anh được Chủ tịch nước Hồ Chí Minh tặng Huân chương Quân công hạng NhìHuân chương Chiến công hạng Nhất, và năm 1956 được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Cũng như tất cả những người con đất Việt, người xứ Thanh anh dũng, kiên cường, sống, chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của đất nước, của dân tộc. Trong nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng Thanh Hóa, "dân xứ Thanh" luôn trân quý lời khen của Bác trong dịp Người về thăm Thanh Hóa lần thứ 2, ngày 13.6.1957: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Lời khen của Bác có sức mạnh vô song giúp cho người dân Thanh Hóa sống, chiến đấu, lao động và học tập hiệu quả không ngừng mãi theo năm tháng.

                                                  (1) Theo báo điện tử Thanh Hóa

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
316934