LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG XÃ HOẰNG HÀ

 

Hoằng Hà là một xã thuần nông nằm về phía Đông Bắc của huyện Hoằng Hoá, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 6km với tổng diện tích tự nhiên 410 Ha, trên đơn vị hành chính được phân bổ thành 4 thôn (trong đó có thôn Ngọc Đỉnh nhân dân theo đạo thiên chúa giáo chiếm 1/3 dân số toàn xã), cách cửa sông Lạch Trường khoảng 8km trải dài theo hữu ngạn sông Lạch Trường và tả ngạn Sông Cung, phía Tây giáp xã Hoằng Đạt, phía Nam giáp sông Đằng ( bên kia sông là xã Hoằng Đạo), phía Đông giáp sông Lạch Trường ( bên kia sông là xã Hoằng Yến), phía Bắc giáp xã Xuân Lộc ( huyện Hậu Lộc qua  sông Lạch Trường).

* Tình Hình Kinh tế - chính trị - Văn Hoá xã hội trước Cách mạng Tháng 8/1945.

Chính Trị : Để dễ bề cai trị thực dân Pháp chia nước ta thành 3 kỳ Bắc – Trung – Nam, bộ máy cai trị của triều Nguyễn vẫn duy trì từ trung ương đến làng, xã dưới sự điều hành của người Pháp, quan lại Nam Triều đóng vai trò đầu sai cho quân Pháp.

Bộ máy thống trị cở cơ sở làng, xã lúc bấy giờ có Lý Trưởng, Ngũ Hương, ông Mõ

Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và chế  độ phong kiến đất nước ta lúc bấy giờ tồn tại hai mâu thuẫn cần phải giải quyết đó là đánh đuổi quân Pháp giành độc lập dân tộc và lật đổ chế độ Phong Kiến giải phóng chế độ người bóc lột người.

Kinh tế: Hoằng Hà là một xã thuần nông từ xa xưa chỉ độc canh cây lúa, diện tích đất nông nghiệp tập trung phần lớn trong tay nhà giầu và địa chủ, trên 90% dân số là Nông Dân thiếu ruộng cày, thậm chí nhiều gia đình không có tấc đất cắm dùi phải đi làm thuê cuốc mướn đi ở cho nhà giầu.

Ruộng đất xấu, bị  nhiễm mặn, công cụ canh tác thiếu, lạc hậu mùa màng hay bị thất bát do thiên tai nên tình cảnh đói ăn, rách mặc nhất là tầng lớp Bần Cố Nông chiếm 1/3 dân số xã lúc bầy giờ.

VH – XH:  Thực dân Pháp thực hiện chính sách Ngu Dân không  mở trường học, nhà tù nhiều hơn trường học, 80% dân số nước ta bị mù chữ.

* Giai đoạn từ 1945 đến 1954:

Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam được độc lập, nhân dân ta từ người dân mất nước trở thành người làm chủ nước nhà, nước Việt Nam từ nước nửa thuộc địa nửa phong kiến trở thành nước độc lập, điều đó khẳng định đường lối đúng đắn của đảng ta, nhân dân ta.

Tuy nhiên nước Việt Nam ta phải đối diện với muôn vàn khó khăn “ giặc đói, giặt giốt, giặc ngoại xâm” tình thế đất nước lúc bấy giờ “ ngàn cân treo sợi tóc”, nhân dân ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Ngày 06/01/1946 bầu cử quốc hội khoá I của nước  Việt Nam Dân chủ cộng Hoà thành công, thực hiện chủ trương của cấp trên, để phù hợp với tình hình mới, việc tổ chức lại các đơn vị hành chính là rất cần thiết, đơn vị tổng được giải thể, huyện Hoằng Hoá thành lập 54 đơn vị hành chính mới gọi là xã.

Tháng 4/1946, 5 làng là Đạt Tài, Hà Thái, Hạ Vũ, Đặc Tài và làng Nhuệ Tây được thành lập xã mang tên xã Hà Dương

Sau khi có quyết định thành lập xã Hà Dương, cuộc bầu cử HĐND được tiến hành.

HĐND xã đã bầu ra bộ máy chính quyền mới gọi là uỷ ban hành chính xã Hà Dương do ông Lê Văn Nhẽ ở thôn Hạ Vũ được bầu làm chủ tịch; ông Vũ Văn Thới ở thôn Hà Thái được bầu làm Phó Chủ Tịch.

Tháng 3/1947 huyện Hoằng Hoá sáp nhập 54 xã nhỏ thành 12 xã lớn, xã Hoằng Phúc gồm xã Bút Sơn, xã Bái Ninh và xã Hà Dương gồm 15 thôn, uỷ ban kháng chiến Hoằng Phúc do ông Vũ Huy Hồ - làng Đạt Tài làm chủ tịch; ông Lê Du – làng Tế Độ làm phó chủ tịch.

Ngày 21/7/1947 chi bộ Đảng xã Hoằng Phúc cũng được thành lập, lấy tên chi bộ Phan Đăng Lưu, chi bộ Phan Đăng Lưu đại hội lần thứ nhất, bộ máy chính quyền xã được kiện toàn ông Lê Du bầu làm  chủ tịch thay ông Vũ Huy Hồ, ông Lê Duy Giáp vấn giữ chức phó chủ tịch.

Kinh tế: Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, kinh tế Hoằng Hà chủ yếu là sản xuất tự cung tự cấp làm nông nghiệp và nghề mộc là chính.

Sản xuất nông nghiệp nông dân tiếp tục đưa vào áp dụng kinh nghiệm sản xuất mang tính khoa học áp dụng 4 biện pháp trong sản xuất nông nghiệp đó là “ nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhờ làm tốt công tác thuỷ lợi nên sản xuất tăng gấp 2 đến 3 lần trước năm 1945 đạt từ 2,5 đến 3 tấn/ha/năm.

Các nghề phụ cũng được phát huy, đặc biệt nghề mộc, thợ xẻ ở làng Đạt Tài – Hà Thái là nghề chính của đàn ông cho thu nhập lớn hơn rất nhiều so với nghề nông.

Văn Hoá – xã hội: Các trường tiểu học được thành lập ở làng Trù Ninh, làng Đạt Tài, làng Hà Thái do thầy Nguyễn Xuân Chung ( quê chợ huyện Hoằng Anh) làm hiệu trưởng đầu tiên, số học sinh mới chỉ trên 15 em, chủ yếu là học sinh 2 làng Đạt Tài và Hà Thái.

Kết thúc 9 năm kháng chiến, có nhiều em học hết cấp I, một số học hết cấp II lớp người này là lực lượng quan trọng đóng góp cho đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý có trình độ cao sau khi đất nước hoà bình.

Phong trào bình dân học vụ được phát động xoá nạn mù chữ trong nhân dân, đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp toàn xã có 50% đến 60% dân số biết chữ quốc ngữ, có trình độ tương đương lớp 2, lớp 3 trở lên.

Từ năm học 1951 – 1952 Hoằng Hà có 1 trường cấp I với 3 lớp, các lớp được bố trí ở Đình Làng, khi máy bay địch bắn phá Hoằng Hoá, các lớp chuyển vào học trong nhà dân học sinh khoảng độ 150 đến 200 em. Đến năm 1954 mới có đủ 4 lớp cấp I, số học sinh có khoảng 300 em chủ yếu con em làng Đạt Tài và Hà Thái.

* Giai đoạn 1954 – 1965:

Chính trị: Thành lập xã Hoằng Hà:

Tháng 10/1953 thực hiện quyết định của Tỉnh, Hoằng Hoá phân chia lại đơn vị hành chính bao gồm 47 xã.

Ngày 03/3/1954 xã Hoằng Hà chính thức được ra đời, gồm có 3 thôn: Đạt Tài, Hà Thái và Ngọc Đỉnh, diện tích tự nhiên khoảng hơn 410 Ha trong đó có khoảng 180 Ha diện tích đất canh Tác.

Cùng với việc thành lập xã Hoằng Hà và bầu chính quyền mới, ngày 03/3/1954 chi bộ Đảng xã Hoằng Hà được thành lập, chi bộ có 80 đồng chí, Đồng chí Lê Sỹ Kính được cử làm bí thư chi bộ, mọi công  việc của một xã mới bắt đầu từ đây, Tháng 11/1954 Đại hội chi bộ Đảng đầu tiên xã Hoằng Hà bầu đồng chí Đặng Thị Thau làm bí thư chi bộ xã từ tháng 11/1954 đến tháng 12/1955.

Kinh tế: thực hiện cải cách ruộng đất hướng tới người cày có ruộng, giai cấp nông dân được quyền làm chủ tư liệu sản xuất của mình, đem lại ruộng đất, trâu bò, nông cụ cho nông dân, đã xoá bỏ được quan hệ bóc lột, phong kiến, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, giai cấp nông dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Để phát triển nông nghiệp, hợp tác xã được xây dựng từ cuối năm 1959 đầu 1960 Hoằng Hà có 6 HTX nông nghiệp quy mô liên xóm, tập hợp được khoảng 90% hộ gia đình nông dân tự nguyện góp ruộng, trâu bò, công cụ vào làm ăn HTX, năng suất lúa 90 – 95 kg/sào/vụ.

Văn hoá – xã Hội: Phong trào Bình dân học vụ, bổ túc văn hoá phát triển mạnh mẽ, năm 1958 xã được tỉnh công nhận là đơn vị thanh toán “ nạn mù chữ”.

Các lớp học vỡ lòng, đầu năm 1958 Hoằng Hà có từ 6 – 7 lớp vỡ lòng người đứng đầu ngành vỡ lòng ở xã gọi là trưởng đoàn vỡ lòng – nay là hiệu trưởng trường Mầm Non.

* Giai đoạn 1965 – 1975:

Chính trị: Từ năm 1965 đến 1975 bí thư Đảng bộ lần lượt là các đồng chí: Đ/c Nguyễn Đình Xứng từ tháng 5/1965 – 1973

Đồng chí: Phạm Văn Ngọc từ 1973 – 1975

Thực hiện khẩu hiệu “ Đảng viên đi trước – làng nước đi sau” Đảng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Trong giai đoạn kháng chiến MTTQ và các đoàn thể chính trị phát huy mạnh mẽ qua các phong trào “ sản xuất giỏi – chiến đấu giỏi – Giao thông vận tải giỏi”,  mặt trận giữ vai trò vận động các tổ chức thành viên, các tổ chức quần chúng nhân dân tập trung sức lực, trí tuệ cho sản xuất phục vụ chiến đấu.

 Đoàn Thanh Niên cộng sản Hồ Chí Minh  thực hiện phong trào “ Thanh niên 3 sẵn sàng” do ban chấp hành trung ương Đoàn phát động, hưởng ứng phong trào này lớp lớp thanh niên xã nhà đã làm đơn tình nguyện lên đường tòng quân giết giặc.

Hội phụ nữ với phong trào “ ba đảm đang” do Ban chấp hành trung ương hội phụ nữ Việt Nam phát động, chị em phụ nữ đã vươn lên đảm đang mọi nhiệm vụ ở hậu phương, nhiều hoạt động như “ ngày hội tòng quân”; hội nghị “ giữ trọn lời thề chung” tiếp tục bồi dưỡng tinh thần “ trung hậu – Đảm đang” để động viên chồng, người yêu yên tâm ra mặt trận.

Hội Nông Dân phong trào “ ba giỏi: sản xuất giỏi- chiến đấu, phục vụ chiến đấu giỏi – giao thông vận tải giỏi”.

Hội phụ lão với phong trào “ ba mẫu mực”

Với những phong trào và thành tích đạt được Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Hà được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba, nhiều cờ thi đua và bằng giấy khen của chính quyền, các bộ, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến trung ương.

* Giai đoạn 1975 đến nay:

Đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải phóng hoàn toàn miền nam, tổ quốc ta được hoàn toàn Độc lập – Thống nhất. Đồng bào cả hai miền Nam Bắc được sum họp một nhà cùng đi lên Chủ Nghĩa xã hội.

Cùng với sự hồi sinh của đất nước Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Hà vô cùng phấn khởi được đón những người con của quê hương chiến thắng từ khắp các chiến trường trở về trong không khí hoà bình và hạnh phúc.

Đầu tháng 10/1975 Đảng bộ xã Hoằng Hà được tiến hành Đại hội, Đồng chí Trương Công Đạt được bầu làm Bí Thư; Đồng chí Trương Công Ngữ được bầu làm phó bí thư – chủ tịch uỷ ban hành chính xã.

Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 1979 – 1981 bầu BCH gồm 13 đồng chí, Đồng chí Nguyễn Trọng Bòng làm bí thư, bầu Đ/c Trương Công Ngữ làm phó bí thư – Chủ tịch UBND xã.

Tháng 9/1981 Đảng bộ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 1981 – 1983 bầu BCH gồm 13 đồng chí, Đ/c Trương Công Đạt được bầu làm bí thư, Đồng chí Đặng Thế Hải được bầu làm phó bí thư – chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 1981 – 1983, Đại hội đã đề ra nghị quyết lãnh đạo phải coi xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu.

Kinh tế: Tiếp tục phân công lao động mở rộng ngành nghề ( Đặc biệt phát triển nghề mộc), đẩy mạnh sản xuất, thâm canh tăng vụ, sản lượng đạt được 900 tấn lương thực quy  ra thóc.

Tháng 12/ 1986 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  VI của ĐCS VN đề ra đường lối đổi mới toàn diện nền kinh tế quốc dân nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội,

Tháng 6/1986 Đảng bộ xã Hoằng Hà tiến hành đại hội, Đại hội bầu BCH gồm 11 Đồng chí, Đồng chí Trương Công Đạt làm bí thư và đồng chí Lê Văn Tơ làm phó bí thư – Chủ tịch UBND xã, Đảng bộ đã nêu vai trò lãnh đạo tập thể chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện 3 chương trình kinh tế của đảng đó là:

Chương trình lương thực thực phẩm: nhờ đưa giống lúa chất lượng cao nên năng suất lúa đạt bình quân 4 tấn/ Ha, Đàn lợn tăng nhanh từ 900 con lên 1200 – 1500 con.

Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng: HTX nông nghiệp đã thành lập 2 tổ thợ mộc, một tổ do ông Đỗ Cao Hoàn ( Hà Thái) làm tổ trưởng và ông Nguyễn Ngọc Soạn ( Đạt Tài) làm tổ trưởng lên huyện Như Xuân sản xuất đồ mộc dân dụng, ở rộng phát triển nghề mộc thu hút trên 350 thợ mộc có việc làm ( nhiều nhất từ trước đến nay).

Chương trình sản xuất hàng xuất khẩu: Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu như: Lạc, vừng, Dừa, tôm sú...

Văn hoá – xã Hội: từ năm 1978 – 1990 theo chủ trương của bộ giáo dục, 2 trường phổ thông cấp I, cấp II sáp nhập lại và có tên gọi Trường phổ thông cơ sở cấp I,II thầy Lê Văn Nam làm hiệu trưởng.

Năm 1991 – 1992 theo chương trình cải cách giáo dục phổ thông cơ sở cấp I, II lại được tách cấp và có tên gọi mới, như vậy bậc học phổ thông xã Hoằng Hà chính thức có 3 trường đó là: Trường THCS, trường tiểu học Hoằng Hà và trường tiểu học Ngọc Đỉnh.

Tháng 3/1991 Đảng bộ xã tiến hành đại hội toàn bộ nhiệm kỳ 1991 – 1993 đại hội bầu BCH 11 đồng chí, Đồng chí Nguyễn Trọng Thể được bầu làm bí thư, Đồng chí Nguyễn Đăng Tống – phó bí thư, Đồng chí Vũ Văn Bái – uỷ viên thường vụ Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã.

Tháng 11/1994 cuộc bầu cử HĐND 3 cấp được tiến hành tại xã, bầu được 20 Đại biểu HĐND khoá XVI nhiệm kỳ 1994 – 1999, Đồng chí Nguyễn Trọng Thể bầu làm chủ tịch HĐND, Đồng chí Vũ Đình Tráng – PCT HĐND – chủ tịch UBND xã,

Đồng chí Nguyễn Trọng Thể giữ chức vụ bí thư đảng giai đoạn tháng 3/1991  đến năm 2000, Đảng bộ lãnh đạo thực hiện chỉ thị số 07 của tỉnh uỷ và quyết định số 177 của UBND tỉnh về việc giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài 20 năm và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến hộ nông dân.

Đến đầu năm 1994 xã đã hoàn thành thủ tục chia đất lâu dài cho nhân dân trong xã thực hiện “ khoán 10” trong đổi mới sản xuất nông nghiệp, đồng thời tăng cường ngành nghề dịch vụ, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.

Tổng sản lượng lương thực quy thóc bình quân trong 5 năm ( 1996 – 2000) đạt 1.637 tấn/năm, tăng so với mục tiêu của Đại hội đề ra là 14,8%; chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản năm sau cao hơn năm trước.

Ngày 12/9/2000 Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV đại hội đã bầu 11 uỷ viên BCH Đảng bộ, Đồng chí Đỗ Cao Thành được bầu làm bí thư Đảng uỷ, Đồng chí Lê Trung Tuân – PBT Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã.

Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, sau đổi điền dồn thửa, người dân mạnh dạn đầu tư các giống lúa năng suất cao, bình quân 9 -10 tấn/ha/năm, năm 2005 năng suất lúa đạt 1895 tấn.

Văn hoá – xã hội: Trường tiều học Hoằng Hà được xây dựng năm 2001, hoàn thành đưa vào sử dụng năm học 2002 – 2003, trường tiều học Ngọc Đỉnh khởi công xây dựng năm 2003 – 2004.

Chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên, đội ngũ cán bộ giáo viên được đào tạo hệ chính quy, số học sinh thi đậu vào các trường THPT, bổ túc văn hoá, trường dạy nghề năm sau cao hơn năm trước

Năm 2007 – 2008 trường tiêu học Hoằng Hà được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ I, trường tiểu học Ngọc Đỉnh được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I năm 2013, trường mầm non Hoằng Hà được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I năm 2017.

Năm 2015 đại hội Đảng bộ xã Hoằng Hà bầu BCH gồm 13 đồng chí; Đồng chí Lê Trung Tuân được bầu làm bí thư, đồng chí Lê Khắc Thắng được bầu làm PBT đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã, đồng chí Lê Khắc Dũng được bầu làm PBT đảng uỷ xã.

Do sự phân công điều động của cấp trên, tháng 9/2016  Đồng chí Lê Xuân Vân – PBT Đảng uỷ - CT UBND xã Hoằng Đạt chuyển công tác về Hoằng Hà giữ chức vụ PBT Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã thay cho đồng chí Lê Khắc Thắng.

Tháng 3/2018 đồng chí Lưu Đức Trình – HUV – Trưởng phòng nội vụ huyện Hoằng Hoá, chuyển công tác về xã Hoằng Hà giữ chức vụ Bí thư đảng uỷ thay cho đồng chí Lê Trung Tuân.

Dưới sự lãnh đạo của đảng uỷ - HĐND – UBND – UBMTTQ xã đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế 16%, thu nhập bình quân đầu người trên  42,2 triệu/ người/ năm,  tỷ lệ hộ nghèo giảm còn  3,44%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Đảng uỷ - HĐND – UBND – UBMTTQ – Toàn thể nhân dân xã Hoằng Hà phấn đấu năm 2018 xã Hoằng Hà hoàn thành 19 tiêu chí về đích Nông thôn mới, xây dựng quê hương xã Hoằng Hà ngang tầm với các xã khác trong huyện, tỉnh, hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đại hội đã đề ra.

                                                           

Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
316934